Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2016

Dị ứng thời tiết ở trẻ em và những điều cần biết

Những lần trẻ nhỏ có nhiều nốt mẩn đỏ nổi trên da, thấy ngứa ngáy khó chịu khi thời tiết thay đổi là hầu hết các người làm cha làm mẹ thấy xót con và không biết nên điều trị ra sao. Vậy vì sao các bé lại dễ bị dị ứng thời tiết? Làm cách nào để làm dịu cơn ngứa ngáy phiền phức trên da của bé? Mời bạn đọc cùng tham khảo bài viết dưới đây.

1. Nguyên nhân trẻ bị dị ứng thời tiết

Dị ứng là một phản ứng của cơ thể khi gặp các tác động từ bên ngoài. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị dị ứng nhiều nhất khi chuyển mùa, từ nóng sang lạnh và ngược lại, do làn da vốn còn mỏng manh và nhạy cảm. Dấu hiệu trẻ bị dị ứng thời tiết chủ yếu là da nổi mẫn đỏ và ngứa. Chứng dị ứng thời tiết ở trẻ nhỏ không có cách chữa trị tận gốc, tuy nhiên, có nhiều cách mà các bậc cha mẹ có thể áp dụng để làm giảm tình trạng mẩn ngứa cho trẻ.



2. Điều trị dị ứng thời tiết cho trẻ

Để chữa bệnh nhanh, theo các bác sĩ cần phải xác định nguyên nhân để tránh tiếp xúc với những nguyên nhân gây bệnh.

a/ Dị ứng thời tiết vì thời tiết hanh khô

Thời tiết thay đổi làm cho da của trẻ giãn nở thất thường gây kích ứng. Trời lạnh khiến da quá khô dễ bị ngứa, càng gãi thì da càng bị kích ứng và sưng tấy. Đối với trẻ có da nhạy cảm với thời tiết, nhiệt độ, nếu bạn cho trẻ tắm nước quá nóng vào mùa đông cả vào mùa hè đều khiến da bị dị ứng.

Đối với trường hợp trẻ dị ứng da thời tiết do da quá khô, các bác sĩ da liễu tư vấn: Chỉ cần lựa chọn kem dưỡng ẩm phù hợp cho trẻ, tránh những thành phần dễ gây kích ứng da, tẩy rửa mạnh, bôi kem ngay từ khi mới đầu vào mùa lạnh là có thể phòng được bệnh. Hơn nữa, hạn chế tắm nước quá nóng cho trẻ, tăng cường uống nước, ăn hoa quả vào thực đơn hàng ngày, và nên cho trẻ uống thêm sữa.

+ Cách chăm sóc cho trẻ bao gồm những bước sau:
Làm sạch da: Tắm rửa trẻ hàng ngày, lau mặt bằng khăn nhúng nước ấm. Ngâm vùng da tổn thương nặng trong nước ấm 15 – 20 phút, sau đó lau khô nhanh và ngay lập tức bôi chất làm ẩm để ngăn cản tình trạng bốc hơi làm khô da. Ngâm da 1-3 lần/ngày tùy độ nặng của bệnh.

Giảm ngứa và kích ứng: Duy trì giấc ngủ bình thường và ổn định tâm lý trẻ vì stress cũng là một nguyên nhân dẫn đến thói quen gãi ngứa ở trẻ. Cắt móng tay cho trẻ, mang bao tay, tất ban đêm để tránh tổn thương da do gãi ngứa. Tránh dùng chất tẩy rửa, hóa chất, xà phòng, cồn, và các sản phẩm chăm sóc da. Chọn quần áo thấm mồ hôi. Tránh những thức ăn dị ứng. Không cho trẻ chơi dưới đất, không chơi với súc vật hay thú nhồi bông

Bôi chất làm ẩm bằng những chất làm ẩm dạng dung dịch, dầu, kem hoặc thuốc mỡ theo hướng dẫn của bác sỹ ngay sau khi tắm.

Chỉ bôi thuốc theo chỉ định của bác sĩ, lưu ý không pha trộn hay bôi cùng với chất làm ẩm vì sẽ làm giảm hiệu quả điều trị

b/ Trẻ bị dị ứng do các nguyên nhân khác

Về mặt lý tính, dị ứng trên da của trẻ đều biểu hiện trên da bằng cách nổi mẫn đỏ và ngứa. Vì vậy, trong trường hợp thời tiết thay đổi, rất dễ lầm lẫn là dị ứng trên da của trẻ là do thời tiết. Đưa trẻ đến cơ sở y tế khi có dấu hiệu sốt, ngứa nhiều phải thức giấc ban đêm, tổn thương da trở nên đỏ hơn và chảy máu, có mủ, đóng vảy màu vàng, hoặc nếu tổn thương da không giảm sau một tuần để được khám và điều trị kịp thời. Tuy nhiên, cũng có thể có những nguyên nhân khác tác động khiến trẻ em bị mẫn ngứa.

Nếu trẻ bị dị ứng do bụi nhà thì bạn cần thường xuyên lau rửa giường, thay ga đệm hằng tuần, dùng quạt gió để giảm độ ẩm trong nhà… Bên cạnh đó, các loại thức ăn có thể làm tăng nặng bệnh cần phải được loại trừ khỏi chế độ ăn của người bệnh. Tuy nhiên, ở trẻ em cần lưu ý có các thức ăn thay thế, và bổ sung thêm sữa để tránh ảnh hưởng đến sự phát triển của bé sau này.

3. Làm thế nào để đề phòng chứng dị ứng thời tiết khỏi trẻ

Theo BS. Nguyễn Thị Thanh, thời điểm giao mùa thường chuyển biến từ nóng sang lạnh nên trẻ dễ bị bệnh, nhất là các bệnh như viêm họng, viêm tai… Vì vậy, để phòng tránh bệnh, cha mẹ cần tăng cường ủ ấm cơ thể trẻ. Khi đi ra ngoài cần mặc quần áo dài tay, đội mũ nón… Thêm nữa, nếu thời tiết quá lạnh thì phải trang bị áo ấm, khăn quàng cổ và hạn chế đưa trẻ ra ngoài khi không cần thiết.

Ngoài ra, các bậc phụ huynh cũng có thể tăng sức đề kháng bằng nhiều biện pháp như: Cho trẻ uống thuốc bổ, vitamin cần thiết ngăn ngừa cảm cúm, tiêm phòng bệnh cúm cho trẻ, cung cấp nhiều chất kháng thể qua các loại nước ép trái cây như cam, bưởi, dưa hấu…, nấu cho trẻ ăn những món tăng cường dinh dưỡng, đảm bảo cơ thể khỏe mạnh như: các món cá, rau trái… Khi thấy các dấu hiệu bất thường như trẻ sốt, ho, sổ mũi nhiều nên đưa ngay đến phòng mạch bác sĩ để kịp thời điều trị.
-------------------
Mời bạn cùng xem thêm thảo luận về cách chăm sóc bé sơ sinh qua nhiều giai đoạn.

Thứ Ba, 26 tháng 7, 2016

Chia sẻ mẹo chăm sóc da trẻ sơ sinh luôn mềm mại

Làn da của trẻ sơ sinh rất mỏng manh, thường xuyên mẫn cảm với môi trường bên ngoài, nhất là tiếp xúc với quần áo. Khi bị dị ứng, da bé sẽ ngứa ngáy, nổi vết sần. Để hạn chế trường hợp này, mời bạn đọc cùng tìm hiểu những cách chăm sóc da trẻ sơ sinh luôn mềm mại sau đây để giữ an toàn cho da bé, ngừa các tác nhân có hại, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bé.

Trước khi kết luận loại bột giặt và nước xả thường dùng hàng ngày có phải là nguyên nhân làm cho bé ngứa ngáy, không thoải mái hay không, mẹ yêu có thể kiểm tra phản ứng trên da bé bằng các cách sau:



1/ Đem giặt một chiếc áo hoặc một chiếc quần của bé.

Khi giặt đồ, bạn đừng bỏ quá nhiều bột giặt, và chắc chắn rằng quần áo được giặt sạch hết xà bông. Ngâm quần áo với nước xả vải vừa để làm sạch hết bọt xà phòng vừa giúp quần áo thêm mềm mại, không khô ráp và gây khó chịu cho làn da nhạy cảm của bé.

2/ Đợi một vài ngày sau khi bé mặc chiếc áo đó để xem da bé có phản ứng với bột giặt và nước xả không vì đôi khi sẽ mất vài ngày thì da bé mới phản ứng. Nếu da bé không bị nổi đỏ, tiếp tục giặt số quần áo còn lại của bé.

Nếu bạn thấy da bé có phản ứng như nổi mẫn đỏ hoặc da bị khô bong từng lớp, hãy thử thay thế một loại bột giặt và nước xả khác. Tốt nhất, bạn nên dùng loại bột giặt và nước xả dành riêng cho làn da của trẻ nhỏ.

3/ Nếu chọn loại bột giặt dành riêng cho bé nhỏ nhưng không may quần áo bé bị những vết bẩn khó tẩy, bạn nên xử lý vết bẩn đó với bột giặt ngay khi bé vừa làm bẩn.

4/ Bên cạnh việc chọn loại bột giặt và nước xả riêng cho bé, một cách khác để giữ cho da bé sơ sinh luôn mềm mại là không nên tắm bé hàng ngày. Các bé nhỏ không cần tắm rửa nhiều vì bé vẫn chưa ra bên ngoài nên sẽ không tiếp xúc với bụi bẩn.

5/ Việc tắm cho con nhiều lần có thể làm giảm độ ẩm trên da, dẫn đến da bé hay bị khô. Thay vì đó, nên giữ vệ sinh vùng kín của bé luôn sạch sẽ và nên tắm bé hai hoặc ba lần một tuần.

6/ Sau đây là một vài cách chăm sóc da khác cho bé: để giữ độ ẩm cho da của bé sau mỗi lần tắm, xoa lên da bé một ít nước dưỡng ẩm dành riêng cho trẻ sơ sinh. Đừng quên mát xa để những chất này thấm vào lỗ chân lông của bé. Thay vì tắm, mẹ có thể lau người cho bé bằng một cái khăn mềm và nước sạch.

Hy vọng rằng các kiến thức trên sẽ bổ ích cho các mẹ biết cách chăm sóc bé sơ sinh.  Hãy áp dụng những điều trên để đảm bảo bé nhà bạn sẽ có được một làn da mềm mại và quần áo luôn thơm tho, sạch sẽ nhé.

Thứ Hai, 25 tháng 7, 2016

Thời điểm thích hợp để ngưng mặc tã cho bé

Không ai có thể bác bỏ tính tiện lợi của tã bỉm trong việc chăm sóc bé sơ sinh nhẹ nhàng hơn. Nhưng đến một thời điểm nhất định, trẻ phải ngưng dùng tã và bắt đầu tập ngồi bô. Vậy khi nào ngưng dùng tã cho bé là thích hợp nhất? Hãy cùng tìm hiểu thời điểm thích hợp để không mặc tã cho bé dưới đây để có thêm kiến thức chăm sóc con cái nhé!

1. Thời gian nào là tốt nhất?

Theo những chuyên gia và bác sĩ nhi khoa, bé phải được dạy cách ngồi bô khi được 18 tháng tuổi, tức là 1 tuổi rưỡi. Tuy nhiên trong thực tế, càng ngày có nhiều trẻ vẫn mặc tã dù đã tròn 3 tuổi. Một vài bố mẹ thậm chí còn để con mặc tã cho tới lúc bé được 4 hoặc 5 tuổi.

Trong thời gian từ 1 đến 3 tuổi, các bé tập trung nhiều vào việc học đi tiêu và đi tiểu. Dạy bé ngồi bô trong độ tuổi này, bé sẽ nhanh chóng nắm bắt được, còn ngoài độ tuổi này, bé sẽ có khả năng chống đối.



2. Những dấu hiệu cho thấy bé sẵn sàng ngưng dùng tã

Bạn có thể quan sát những dấu hiệu cho thấy bé đã sẵn sàng cho việc ngồi bô. Việc sử dụng tã và dạy bé ngồi bô có mối quan hệ mật thiết với nhau. Nếu bé sẵn sàng ngay từ đầu, bạn có thể từ từ cắt giảm việc sử dụng tã.

Điều quan trọng là mẹ cần kiên nhẫn. Các mẹ không thể chỉ đơn giản cởi tã bé và mong là bé sẽ có thể kiểm soát ngay lập tức việc vệ sinh của mình. Điều này cần một quá trình và bé cần sự hướng dẫn cũng như động viên của bạn.

Đừng ép buộc bé phải ngồi bô và ngưng dùng tã cùng lúc. Nếu bạn làm thế, mỗi khi bé lỡ “bậy” ra, bé sẽ thấy xấu hổ và cảm giác mình là một kẻ thất bại. Bạn cần khuyến khích bé và không la mắng khi bé chưa kiểm soát được nhu cầu tiêu tiểu của mình. Theo thời gian, bé sẽ thuần thục hơn.

Chắc chắn là ga giường nhà bạn sẽ bị ướt trong vài tháng đầu khi dạy bé ngồi bô. Có những lúc bạn nghĩ bé hoàn toàn sẵn sàng cho việc ngưng dùng tã, nhưng như bạn đã biết, việc này là rất khó.

Quyết định khi nào nên ngưng dùng tã phụ thuộc vào bố mẹ chứ không phải các bé. Không nên đổ lỗi cho các bé khi các bé vẫn phụ thuộc vào tã. Nên nhớ rằng nếu bé thất bại, thực tế đó là lỗi của bạn. Mặc dù vậy, đây là một phần trong sự phát triển của bé và bé sẽ học được nhanh chóng nếu bạn bắt đầu đúng thời điểm.

Tuy ban đầu giai đoạn này rất khó khăn vất vả cho cả mẹ lẫn bé. Nhưng mẹ yêu hãy cố gắng kiên trì cùng bé vượt qua cột mốc quan trọng này một cách an toàn, tiện lợi nhất nhé.
----------------------
Mời bạn tìm hiểu thêm về da nhạy cảm của bé.

Thứ Tư, 20 tháng 7, 2016

Chia sẻ phương pháp chăm sóc bé sơ sinh tiện lợi đúng cách

Chăm sóc trẻ sơ sinh là một công việc tuy rất vất vả nhưng lại thiêng liêng tình mẫu tử. Chắc hẳn lần đầu tiên làm mẹ, bạn chưa có kinh nghiệm nuôi con, vẫn lúng túng, ngạc nhiên không ít mọi điều. Để giúp mẹ yêu giảm bớt áp lực, hãy tham khảo một số tuyệt chiêu chăm sóc trẻ sơ sinh tiện lợi đúng cách nhất dưới đây để có thêm kinh nghiệm nhé!

1. Đừng dùng khăn giấy ướt
Tuy những loại khăn giấy ướt cho trẻ sơ sinh được bày bán khắp mọi nơi nhưng bạn thật sự không cần dùng đến chúng đâu. Không chỉ tốn kém mà các loại giấy ướt để vệ sinh cho bé còn bị nghi ngờ có thể làm hại đến làn da nhạy cảm của trẻ sơ sinh. Đặc biệt những bé được nuôi bằng sữa mẹ có phân lỏng, ít acid và vi khuẩn, còn nước tiểu của bé thì loãng nên không cần sử dụng đến các loại khăn giấy ướt có tẩm hóa chất để lau chùi cho bé.



2. Hãy làm quen khi bé tè tràn tã
Việc thay tã cho trẻ buổi tối có lẽ là “ác mộng” với nhiều người. Vì thế, bạn nên cho bé mang tã dùng ban đêm hoặc mặc thêm một lớp tã vải bên trong. Cách này sẽ ngăn được tình huống bé tè tràn tã.

3. Đừng bó buộc con với đôi giày
Cho đến khi trẻ biết đi và thường hay ra ngoài, mẹ không cần phải mua giày cho bé. Những đôi giày của trẻ con quả là rất xinh xắn nhưng tốt hơn là bạn để dành tiền cho những thứ quan trọng hơn. Thay vì đó, các loại vớ cho trẻ sơ sinh lại rẻ và tiện dụng hơn nhiều.

4. Cẩn thận với “vòi phun nước” của bé trai
Điều này đặc biệt dành cho những mẹ có con trai nhé. Khi bạn tháo tã cho bé, bé có thể bị lạnh đột ngột ở vùng kín và sinh ra phản xạ là … tè! Cho nên, nhớ tháo tã chậm rãi để tránh nước tiểu của bé tung tóe khắp nơi. Bạn cũng có thể bọc bên trong một lớp tã vải mỏng để thấm nước tiểu của bé trước khi nó văng vào mặt và mắt của bạn.

5. Hãy ôm ấp bé thật nhiều.
Bạn có thể đã nghe một số người nói rằng đừng nên ôm ấp con suốt ngày để bé không quen hơi mẹ. Mặc dù vậy, nên nhớ rằng dù bạn có ôm ấp con bao lâu đi nữa cũng không thể làm hư bé. Dạy cho con tính tự lập và xa rời con là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Bạn nên để bé cảm nhận được rằng bé là thành viên gia đình được mọi người yêu thương và trân trọng.

Cha mẹ nên chú ý chăm sóc bé sơ sinh thật cẩn thận để tạo cho bé một nền tảng sức khỏe tốt nhất ngay từ giai đoạn đầu. Mong rằng những thông tin trên sẽ hỗ trợ các mẹ chăm sóc bé tốt nhất.

Thứ Ba, 19 tháng 7, 2016

Một vài mẹo nhỏ trị hăm tã cho trẻ sơ sinh

Hăm tã là tình trạng khá phổ biến và dễ dàng nhận ra ở trẻ sơ sinh. Mới đầu trên da xuất hiện các mảng da màu hồng nhạt, các vết hăm sẽ có thể bị viêm nhiễm và gây cho bé thấy vô cùng khó chịu.

Hăm tã không là chứng bệnh nguy hại cho các bé, nhưng nó sẽ làm cho bé khó chịu và thậm chí sẽ làm bé bị đau rát. Khi con bạn đang mắc phải vấn đề này, chớ nên quá hoảng sợ bởi bạn có thể chữa trị dứt  điểm cho con mình tại nhà. Sau đây là một vài mẹo vặt trị hăm tã cho bé mà các mẹ có thể áp dụng.



1/ Dùng nước lá ổi để rửa vết hăm

Mẹ hãy dùng nước ổi hay lá ổi rửa sạch, nấu lấy nước và dùng nước này để rửa vết hăm cho bé.

2/ Sử dụng túi trà hoa cúc

Hoa cúc nổi tiếng với đặc tính xoa dịu và phục hồi vết thương vì vậy có không ít mẹ xem nó như một trong các biện pháp điều trị chứng hăm tã cho con mình. Để điều trị hăm tã bằng hoa cúc, bạn có thể ngâm một miếng vải muslin trong trà hoa cúc, sau đó lấy ra, vắt hơi khô nước rồi đắp lên vùng da bị hăm của bé trong vài phút.

3/ Cho bé “nude” 

Vì các loại bỉm tã là thủ phạm chính gây ra chứng hăm tã ở trẻ, nên cách tốt nhất để phòng ngừa tình trạng này là mẹ đừng mặc tã cho con bất cứ khi nào có thể, nhất là khi bé ở nhà. Bé sẽ được tận hưởng cảm giác thoáng mát và thoải mái khi không mặc tã. Bên cạnh đó, để xử lý khi bé tè dầm, bạn có thể đặt một tấm khăn mềm trên một tấm thảm/nệm cao su vừa vặn rồi lót cho bé trong lúc bé vui chơi mà không đeo tã.

4/ Thường xuyên lau rửa cho trẻ sơ sinh

Một trong số cách khắc phục hiện tượng hăm tã tái phát ở trẻ là luôn giữ vệ sinh sạch sẽ cho bé. Thường xuyên rửa ráy cho con bằng nước ấm pha với một ít thuốc tím là cách làm dịu dàng đối với làn da mẫn cảm. Thêm nữa, các mẹ cũng cần lau khô vùng mông của bé.

5/ Sử dụng kem chống hăm tã

Được các bác sĩ nhi khoa chứng nhận hiệu quả trong việc làm mềm da và điều trị hăm tã là lựa chọn đầu tiên cho bạn. Sau khi làm sạch chỗ bé bị hăm, bạn bôi một lớp mỏng kem lên vùng da này trước khi mặc tã cho bé. Để chữa trị bệnh tốt, mẹ nên để bé không mặc tã trong một vài giờ sau khi thoa kem.

Trên đây là một vài mẹo nhỏ chữa chứng hăm tã ở bé mà các mẹ nên biết để biết chăm sóc trẻ sơ sinh nhà mình tốt hơn. Mong rằng các thông tin trên hữu ích với bạn đọc.

Thứ Hai, 18 tháng 7, 2016

Lợi ích của nước xả vải với quần áo bé sơ sinh

Ngày nay, việc sử dụng nước xả vải không còn xa lạ gì với giới chị em nội trợ. Trên thị trường cũng chào bán một loạt các loại nước xả vải với đa dạng tính chất khác nhau. Vậy quần áo trẻ sơ sinh có cần sử dụng nước xả vải hay không? Mời bạn đọc cùng tham khảo về tác dụng của nước xả vải với quần áo bé sau đây để có quyết định thật phù hợp nhé.

1. Lợi ích từ nước xả vải

Mặc dù nước xả có thể không tẩy sạch vết bẩn hoàn toàn. nhưng có thể làm cho quần áo của con bạn thêm mềm mại, tạo cảm giác thoải mái cho bé khi mặc. So với mùi của bột giặt thì mùi thơm của nước xả được nhiều người thích hơn. Nhưng nếu con nhà bạn dị ứng với mùi thơm của nước xả, bạn có thể chọn dùng nước xả không mùi hoặc nước xả hữu cơ.



Nước xả vải còn giúp cho quần áo ít bị mài mòn và ít thô cứng hơn nên an toàn cho làn da nhạy cảm của bé. Nó cũng giúp cho quần áo thêm mềm mại và bớt nhăn hơn, nhờ đó chúng ta có thể không cần ủi một số loại quần áo. Kết quả là bạn có thể tiết kiệm được một ít tiền điện và có thêm thời gian để chơi đùa với con.

2. Chú ý khi dùng nước xả vải cho quần áo của bé

Nếu bạn sử dụng máy giặt, bạn có thể cho nước xả vào lần xả cuối của máy giặt nhưng nhớ cho thêm nước vào để làm tan nước xả trước. Mẹ không nên đổ trực tiếp nước xả lên quần áo vì nó có thể làm cho quần áo bị phai màu.

Mặc dù vậy, việc quyết định sử dụng nước xả hay không là quan điểm của mỗi người. Hãy luôn nhớ rằng phải kiểm tra thử xem nước xả đó có gây khó chịu gì cho trẻ hay không. Ban đầu, mẹ có thể thử với áo và quần ngắn. Theo dõi những phản ứng có thể xuất hiện trên da bé. Nếu bé có tiền sử dị ứng, chàm bội nhiễm và những bệnh khác, tốt nhất là bạn nên trao đổi với bác sĩ trước khi chọn bột giặt hoặc nước xả cho bé.

Tóm lại, việc dùng nước xả vải cho quần áo của trẻ vừa có ưu điểm nhưng cũng có hạn chế. Nếu các mẹ biết khéo léo lựa chọn và dùng đúng cách nước xả vải thì sẽ giúp giai đoạn chăm sóc bé sơ sinh tiện lợihơn.

Chủ Nhật, 17 tháng 7, 2016

Lời khuyên và lưu ý cần biết khi chăm sóc trẻ mọc rôm sảy

Với trẻ em hay ra mồ hôi thì các vùng da tiết ra nhiều mồ hôi như lưng, ngực, trán, cổ lại thường bị nổi mẩn ngứa, mọc rôm sẩy. Vì trong những ngày thời tiết nóng bức, mồ hôi bé tiết ra nhiều, không thoát hết sẽ ứ đọng trong các ống bài tiết trên da, lại thêm bụi bịt kín khiến cho da nổi các nốt viêm làm ảnh hưởng tới sức khỏe của bé.

Cho nên, bài viết sau đây sẽ mách các mẹ một số lời khuyên hay khi chăm sóc trẻ mọc rôm sảy, cũng như những chú ý cần tránh nhé.

Những lời khuyên cho mẹ

 

- Đảm bảo vệ sinh nước lá để tắm cho con: Phải rửa sạch, kỹ, ngâm qua nước muối hoặc thuốc tím trước khi nghiền, lọc hay đun nước tắm vì các loại lá này có thể chứa nhiều vi khuẩn gây hại, thậm chí không chết sau khi đun nấu. Hơn nữa những loại lông tơ trên lá cũng dễ gây dị ứng cho da nhạy cảm của bé.

Đồng thời lưu ý, cần tắm sạch bé bằng sữa tắm trước khi tráng nước lá vì nước lá không hòa tan được chất nhờn trên da. Sau khi tắm nước lá cần tráng lại bằng nước ấm để rửa trôi lượng bột của lá có thể đọng trên da, gây nhiễm khuẩn.

- Lưu ý chọn phấn rôm có chất lượng tốt

- Tạo môi trường thông thoáng, mát mẻ cho trẻ. Bên cạnh việc chọn quần áo bằng chất liệu cotton thấm hút mồ hôi tốt; thường xuyên tắm cho bé; chườm lạnh hoặc dùng khăn lạnh lau người bé khoảng 4-5 lần mỗi ngày, mỗi lần khoảng 5-10 phút; tạo môi trường thoáng mát cho bé như sử dụng quạt, máy điều hòa với nhiệt độ thích hợp v.v…, chống nắng cho bé khi đi ra ngoài bằng mũ, nón rộng vành; cho bé uống nước đều đặn và dùng các loại nước mát khác như nước bột sắn dây, nước cam, chanh, rau má v.v….

Những điều không nên làm khi bé bị rôm sảy

- Không vắt nhiều chanh hay đun nước lá quá đặc. Việc vắt nhiều chanh vào nước tắm hoặc trực tiếp chà xát chanh lên da dễ làm cho da bé bị dị ứng, tổn thương do hàm lượng axit quá cao. Với việc nấu nước lá, các mẹ cũng không nên nấu quá đặc, vì lượng tinh bột của lá có thể đọng nhiều trên da, gây nhiễm khuẩn, viêm da, dị ứng cho bé.

- Không dùng sữa tắm của người lớn để massage cho trẻ. Sữa tắm người lớn vốn chứa độ kiềm cao dễ làm cho da bé bị khô, vì vậy càng làm tăng tình trạng nhiễm trùng, rôm sẩy trên da của bé. Hơn nữa, việc mát xa cho trẻ với tinh dầu dừa, tinh dầu oliu cũng làm tăng thêm sự khó chịu, gây chàm hay mọc rôm sẩy ở bé.

- Không tự ý dùng thuốc bôi khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Nếu con nhỏ bị mẩn ngứa nhiều, có các mụn đầu trắng trên da, rôm sẩy dày đặc, đỏ, kéo dài…, các mẹ nên đưa bé đến các chuyên khoa da liễu để khám và điều trị. Tuyệt đối không tự mua thuốc bôi hoặc giữ con lại ở nhà tự chữa, vì có thể khiến cho bệnh nặng thêm, chưa kể những ảnh hưởng có thể xảy ra cho bé.

- Không nên ủ bé quá kỹ hay mặc quá nhiều quần áo cho bé.

- Tránh làm trầy xước các vết rôm sảy, bởi khi bị trầy xước da, dễ dẫn đến nhiễm trùng da.

- Không tắm nước lá khi da bé bị trầy xước, mưng mủ. Khi da đã trong tình trạng sưng đỏ, viêm da quá nặng do bé ngứa, gãi gây trầy xước, mất lớp màng bảo vệ, việc tắm nước lá dù đã qua đun nấu cũng có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập, khiến cho bệnh nhiễm trùng tăng lên, thậm chí còn gây các biến chứng không ngờ. Có những trẻ bị viêm nhiễm ở vùng gần hệ thần kinh, mạch máu như mặt, cổ, đầu, nếu mẹ vẫn cho tắm nước lá mà không được điều trị kịp thời có thể gây viêm tắc tĩnh mạch não và để lại di chứng suốt đời.

Thứ Bảy, 16 tháng 7, 2016

10 loại thức ăn bổ não cho bé thông minh hơn

Bé thông minh, mau lẹ luôn là ước muốn của biết bao gia đình, vậy nên ai cũng đặc biệt tìm hiểu đến chế độ dinh dưỡng hằng ngày của con mình không biết đã đủ tốt hay chưa. Có nhà còn nhất quyết cho con dùng thêm sữa bột cao cấp thì mới thông minh được, tuy nhiên, điều này chưa hoàn toàn chính xác. 

Để tiết kiệm hơn, mẹ có thể tìm hiểu về những loại thực phẩm tăng cường trí não cho trẻ hiệu quả và hay được dùng nhiều nhất hiện nay dưới đây nhé.

1/ Thịt bò nạc

Trong thịt bò nạc chứa nhiều sắt – một khoáng chất cần thiết cho việc sản sinh các tế bào máu của cơ thể. Bé bị thiếu sắt có nguy cơ bị suy nhược cơ thể, mệt mỏi, thiếu nguyên liệu cho các tế bào thần kinh phát triển tốt.

Thêm nữa, thịt bò nạc cũng bổ sung lượng kẽm dồi dào, giúp trẻ ghi nhớ tốt hơn.




2/ Đậu phộng

Mẹ có biết, giá trị dinh dưỡng trong đậu phộng thậm chí có thể ngang ngửa với các loại thực phẩm có nguồn gốc từ động vật như thịt, trứng, sữa…? Ngoài một lượng chất béo không bão hòa rất cao và một lượng vitamin E phong phú giúp bảo vệ màng tế bào thần kinh, hàm lượng vitamin B1 trong đậu phộng còn giúp thúc đẩy quá trình sản sinh năng lượng cho các hoạt động của não.

3/ Bánh mì nguyên cám

Không những chứa một lượng chất xơ dồi dào và năng lượng hoạt động cho não, bánh mì nguyên cám hay còn gọi là bánh mì đen còn chứa một lượng vitamin nhóm B phong phú giúp nuôi dưỡng các tế bào thần kinh luôn khỏe mạnh.

4/ Các loại đậu

Giàu đạm, chất xơ và các loại vitamin, họ hàng nhà đậu được xếp vào danh mục những thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, có lợi cho sự phát triển não của trẻ.

5/ Sữa và các chế phẩm từ sữa

Chứa nhiều đạm, vitamin B, sữa và các sản phẩm từ sữa cần thiết cho quá trình tăng trưởng và phát triển của các tế bào não. Bên cạnh đó, hàm lượng vitamin D và canxi trong sữa cũng thúc đẩy chiều cao của bé nhanh hơn.

6/ Các loại rau củ quả nhiều màu sắc

Không chỉ chứa một lượng lớn các carotene và chất sắt, các loại rau củ nhiều màu sắt đồng thời cũng là nguồn vitamin B6, acid folic và kali rất dồi dào. Vì vậy, nếu muốn con thông minh, mẹ nên cho bé ăn nhiều các loại rau quả “sặc sỡ” này.

7/ Yến mạch

Bắt đầu ngày mới bằng yến mạch sẽ giúp não của bé hấp thu đủ phần năng lượng cần thiết để duy trì hoạt động của não trong cả một buổi sáng. Đồng thời, vitamin E, vitamin A, kali và kẽm cho trong yến mạch cũng hỗ trợ, giúp não “chạy” hết công xuất tối đa của mình.

8/ Các loại quả mọng

Giàu chất chống oxy hóa và vitamin C, các loại quả mọng nước như dâu tây, việt quốc, mâm xôi… giúp tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể và ngăn ngừa sự phát triển của các tế bào ung thư. Không chỉ vậy, theo một nghiên cứu, chiết xuất từ quả việt quốc và dâu tây còn có tác dụng tăng cường khả năng ghi nhớ của não.

9/ Cá hồi

Là một trong số thức ăn có hàm lượng omega 3 cao, cá hồi đóng vai trò quan trọng trong quá trình tăng trưởng và hoạt động của các tế bào não. Đồng thời, theo một nghiên cứu mới đây, các chuyên gia phát hiện rằng, những bé thường xuyên ăn cá không chỉ có một trí nhớ tốt hơn mà còn có đạt điểm cao hơn trong bài kiểm tra IQ.

10/ Trứng

Lòng đỏ trứng gà là một trong số ít thực phẩm chứa cholin, dưỡng chất quan trọng giúp trẻ phát triển trí não và củng cố khả năng ghi nhớ. Thiếu cholin, đặc biệt là trong giai đoạn từ 1-2 tuổi là nguyên nhân làm gián đoạn việc sản xuất các tế bào thần kinh não, và có thể khiến sự phát triển của não bị ảnh hưởng trong những giai đoạn sau.

Mẹo hay giặt quần áo cho bé cưng mà mẹ nên biết

Bé cưng sắp ra đời, và bạn đang học cách chăm sóc trẻ sơ sinh từ những thứ nhỏ nhặt nhất. Các mẹ sẽ tập học cách giặt giũ quần áo cho bé sao cho tốt nhất. Mặc dù vậy, không phải cứ tống hết mọi quần áo vào máy giặt là được đâu nhé. Dưới đây là những bước giặt quần áo cho trẻ sơ sinh được khuyên áp dụng.

1. Gỡ bỏ tất cả các nhãn mác trên quần áo mới, chăn và ga giường. Nếu mẹ để sót lại, các chất keo sẽ chảy thành những vết xước khô cứng không giặt sạch được trên áo quần của bé yêu đó.

2. Cẩn thận sắp xếp lại những quần áo cũ mà bạn được cho lại bởi đôi khi chúng có thể bị ố bẩn hay bị mốc vì để lâu trong thời gian dài.



• Nếu không muốn bé mặc quần áo bị ẩm mốc, mẹ thử giặt những bộ đồ này riêng biệt trong nước ấm cùng với bột giặt và có thể cho thêm giấm để tăng khả năng tẩy.
• Sau khi giặt, hãy đảm bảo rằng tất cả các vết ố đã hoàn toàn biến mất và không còn mùi nấm mốc. Có thể bạn sẽ phải giặt vài lần và nếu có những chiếc không thể giặt sạch, đừng tiếc rẻ nhé.
• Nước ấm hoặc thuốc tẩy loại dành cho quần áo trắng sẽ diệt sạch nấm mốc mặc dù có thể còn một vài vết bẩn vô hại.
• Giặt lại một lần cuối chung với số quần áo còn lại của bé.

3. Giặt đồ của con như giặt những quần áo thông thường khác. An toàn nhất mẹ nên dùng loại giặt tẩy không có hương thơm, không chất nhuộm, đôi khi được gọi là bột giặt cho làn da nhạy cảm với nguyên liệu không chất tẩy hoặc chất làm mềm vải. Hãy cẩn thận các loại nước giặt chứa chất tẩy và hương thơm mạnh bởi chúng có thể gây kích ứng các giác quan và làn da mỏng manh của bé.

4. Cho quần áo vào máy sấy, sau đó phơi quần áo đã được sấy khô trên dây ngoài trời nắng. Đây là cách phơi khô tự nhiên mà lại rất an toàn để đảm bảo quần áo hoàn toàn khô ráo và sạch sẽ khi bé mặc.

5. Xếp quần áo và cất vào tủ. Thử nghĩ xem những bộ quần áo nào bé sẽ mặc thường xuyên và nơi bé sẽ ngủ. Để quần áo của bé, chẳng hạn như đồ ngủ, ở nơi mà bạn dễ với tới nhất, như trong ngăn kéo ở chỗ bạn thay đồ cho bé hoặc trong tủ quần áo phòng bạn.

6. Chứa quần áo dơ của bé trong rổ riêng. Bé sẽ mặc hết quần áo khá nhanh trong những ngày tuổi đầu bởi tã sẽ bị tràn ra ngoài hoặc có thể chỉ vì bạn cảm thấy muốn thay đồ cho con thôi. Nếu đồ của bé được đựng riêng biệt thì sẽ dễ dàng hơn để bạn kiểm soát và biết khi nào chúng cần được giặt.

Những mẹo giặt quần áo cho trẻ sơ sinh

• Nếu nhà bạn có vật nuôi, hãy giữ đồ của bé xa tầm với của thú cưng, khóa ngăn kéo tủ và đóng chặt tủ quần áo. Nguyên nhân là lông đông vật có thể gây ra ngứa ngày và khó chịu cho da của trẻ.
• Khi bé đã cứng cáp hơn, bạn có thể giặt đồ cho bé chung với đồ của cả nhà.
• Giặt tã vải riêng với một lượng nhỏ xà bông bằng máy giặt. Sẽ là một ý hay nếu bạn để máy giặt xả thêm một lần nước nữa nhằm đảm bảo tã sạch bột giặt. Không nên dùng thuốc tẩy cho tã vải.
• Thậm chí ngay cả khi bạn đã được biết giới tính của bé thì cũng đừng chuẩn bị sẵn tất cả quần áo trước khi sinh. Chuẩn bị 8-10 bộ là quá đủ cho những ngày đầu sau khi con ra đời để tránh lãng phí hay bé không mặc vừa.

Thứ Năm, 14 tháng 7, 2016

Một vài vấn đề về da hay gặp ở trẻ sơ sinh

Các bé sơ sinh là đối tượng rất dễ gặp phải các bệnh ngoài da vì làn da của bé vô cùng nhạy cảm và hay bị tổn thương. Dưới đây là những vấn đề về da phổ biến ở trẻ nhỏ để các mẹ biết và chăm sóc con nhỏ thật tốt.

1. Hiện tượng da bé nổi hạt kê

Đó là các hạt nhỏ màu trắng đục nhô lên da do sự ứ đọng của chất bã, hay gặp ở vùng trán, mũi, gò má. Một số em bé có thể xuất hiện hạt kê ở bắp tay.

Các hạt kê này sẽ tự biến mất sau vài tuần lễ. Bởi vậy khi bạn tắm cho trẻ sơ sinh, những khu vực này không nên kỳ cọ mạnh, ảnh hưởng đến làn da nhạy cảm của con yêu.


2. Phát ban đỏ trên da

Vài ngày sau khi chào đời, bé có thể xuất hiện những mảng ban trên, hay được gọi là “phát ban đỏ”. Các nốt ban này trông gần giống vết muỗi cắn, có kèm theo đầu mủ màu trắng vàng trên mỗi nốt ban.

Vết ban thường nổi trên thân người của bé sơ sinh, nhưng cũng có lúc chúng nổi trên mặt, tay và chân. Những nốt ban này đến và đi trong vòng một thời gian ngắn nên mẹ không cần lo lắng và cũng không cần phải điều trị bệnh này.

3. Hăm tã

Có một số lý do gây ra chứng hăm tã ở trẻ, nhưng phổ biến nhất là do nước tiểu của bé hoặc phần “lưu trú” lâu trong tã do các mẹ ít thay tã, để cho tã bẩn tiếp xúc với da quá lâu và từ các dấu hiệu hăm, tấy đỏ, nếu để nguyên không chữa trị, lớp da trở nên căng bóng và có thể sinh ra mụn mủ.

Cách đề phòng:

Giữ cho trẻ luôn sạch sẽ và khô ráo bằng cách thay tã đều đặn
Vệ sinh, rửa sạch, kỹ càng cho trẻ mỗi lần thay tã
Khi quấn tã cho con, mẹ nên chú ý để tã của trẻ lỏng một chút, sử dụng tã có lỗ thoáng khí như vậy sẽ làm cho không khí xung quanh vùng đóng tã lưu thông tốt hơn.
Cố gắng để trẻ được ở trần vài lần một ngày giúp cho da được khô thoáng.

4. Chàm sữa (lác sữa)

Đây là vấn đề ngoài da hay gặp ở bé từ 6 tháng tuổi, thường xuất hiện ở mặt, hai bên má, có thể lan ra thân mình, tứ chi…
Bệnh khởi đầu là những mẩn đỏ, rồi biến thành mụn nước nhỏ li ti, đỏ, nứt da, rịn nước (một số bé có da rất khô), đóng mày và tróc vảy..

Cách đề phòng:

Cần vệ sinh mặt, miệng cho trẻ sau mỗi lần ăn hay bú sữa.
Cho trẻ ăn uống như bình thường, hạn chế một số thực phẩm làm bệnh chàm của bé nặng hơn (trứng, mỡ động vật, hải sản, nội tạng động vật, …)
Sử dụng dung dịch làm dịu da để tắm cho bé như cetaphil, Physiogel, Oilatum.
Tránh cào gãi ở trẻ: cắt ngắn móng tay, móng chân để tránh bé ngứa gãi làm tăng nhiễm trùng da.
Nhà ở thông thoáng, không khói thuốc, không nước hoa, không thú nuôi.
Chàm là một bệnh hay tái phát nên việc điều trị và theo dõi rất quan trọng, đặc biệt là không được tự ý dùng thuốc uống, thuốc thoa ngoài khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

5. Rôm sảy

Hiện tượng này hay gặp ở nhiều bé sơ sinh, nhất là trong mùa nắng nóng, các bé hay bị ra mồ hôi nhiều nên rôm sảy thường xuất hiện ở lưng, ngực, bắp tay, bắp chân.

Với những bé bị rôm sảy, bạn nên:

Cho bé mặc các loại đồ mỏng, nhẹ, hút mồ hôi tốt
Đừng để da trẻ sơ sinh tiếp xúc với các loại vải thô, cứng vì chúng có thể gây kích ứng trên da
Vào những ngày nóng, bạn nên để bé được tự do ngồi hoặc nằm chơi ở căn phòng mát, thay vì liên tục ôm ấp bé.
Nên tắm rửa cho bé bằng một trong các thứ thuốc dân gian như lá mướp đắng, lá chè xanh…
Thường xuyên lau người cho bé bằng khăn lạnh để cơ thể bé mát mẻ, hạn chế rôm sảy
Tránh làm trầy xước các vết rôm sảy để phòng ngừa nhiễm trùng da

6. Chốc

Loại bệnh ngoài da ở trẻ sơ sinh này có triệu chứng là những nốt mụn đỏ, sau đó vỡ ra, rỉ nước trong một vài ngày và đóng vảy, thường xuất hiện ở vùng mặt, nhất là quanh mũi và miệng. Bệnh dễ lây và thường xuất phát từ vi khuẩn.

Cách phòng ngừa bệnh:

Giữ cho da trẻ luôn sạch sẽ.
Nhẹ nhàng rửa sạch vùng bị bệnh bằng xà phòng nhẹ dưới vòi nước chảy và sau đó băng lại
Cắt ngắn móng tay cho trẻ để trẻ khỏi cào gãi
Khuyến khích bé rửa tay thường xuyên

7. Mụn nhọt

Biểu hiện ban đầu của bệnh là mụn đỏ sưng rồi nóng gây đau nhức, dần dần mềm vỡ ra chảy mủ và thành sẹo. Mụn nhọt có thể mọc ở nhiều nơi trên cơ thể của trẻ sơ sinh, gây đau nhức làm cho bé hay quấy khóc, khó ngủ

Cách chăm sóc da của bé:

Cho bé tắm rửa thường xuyên, đặc biệt là vào mùa hè. Tắm cho trẻ bằng nước sạch, dùng vải mềm kỳ da, tránh làm trầy xước.
Hạn chế cho bé dùng quá nhiều quả ngọt, nước đường vì chúng thường sinh rất nhiều nhiệt lượng, gây ra chứng bệnh nóng trong người, nổi phát ban.
Nếu chỉ có 1-2 nhọt bắt đầu mọc trên da của bé, mẹ có thể bôi cồn iốt vào đúng chỗ nhọt, hoặc dùng cao tiêu nhọt dán lên. Nếu nhọt mọc nhiều, mẹ nên đưa bé đi khám để tìm nguyên nhân và điều trị kịp thời.

Làn da của bé sơ sinh vốn mềm mại và dễ bị dị ứng, điều quan trọng là bạn biết cách chăm sóc, vệ sinh sạch sẽ. Nếu dấu hiệu bệnh ngoài da ở bé kéo dài không hết hoặc bất thường, mẹ nên đưa con đến gặp bác sĩ thay vì tự mua thuốc điều trị tại nhà.